Phở truyền thống nổi tiếng của người Việt được bắt nguồn từ miền Bắc nước ta với sự kết hợp hoàn hảo giữa bánh phở và nước lèo đậm đà. Đây cũng là món ăn được lựa chọn để làm đại diện cho Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới. Qua bài viết dưới đây, Phở Thìn 1955 sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về nguồn gốc ra đời cũng như văn hóa gắn liền với món ăn tinh hoa này.
1. Nguồn gốc của món phở truyền thống Việt Nam
Phở truyền thống - một món ăn gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc cũng như mang đậm những nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực Việt. Cụ thể, vào những năm 1908-1909, có nhiều tuyến tàu thủy hơi nước chạy từ Hà Nội đi Hải Phòng, Nam Định. Cộng thêm các tuyến thuyền mành chở theo nước mắm, đồ khô từ xứ Thanh Nghệ ra tạo nên một quang cảnh vô cùng náo nhiệt và sầm uất tại sông Hồng. Ở đó cũng đã xuất hiện một nhu cầu ẩm thực bình dân to lớn. Các hàng quà ùn ùn đổ về bến sông, song món xáo trâu được ưa chuộng nhất. Đây là một món ăn nấu thịt trâu và thường ăn với sợi bún hoặc sợi bánh đa. Sau đó, từ các gánh xáo trâu đã được các bà học nhau chuyển thành xáo bò.
Phở truyền thống - món ăn gắn liền với lịch sử
Tuy nhiên, do thịt bò có mùi gây khi nguội nên kỹ thuật để lửa liu riu được phát kiến. Dần dần, người nấu thêm thắt gia vị để thịt bò hợp với khẩu vị người Việt. Ông cha ta cũng chế được loại nước dùng phù hợp, rồi ăn kèm bánh phở cắt thành sợi, để rồi cho ra món phở trứ danh như ngày nay.
Đọc thêm bài viết: Khám phá những nét độc đáo của phở bò Việt Nam
2. Các thành phần chính trong tô phở truyền thống
Thành phần chính của phở truyền thống là bánh phở, nước dùng cùng với thịt bò cắt lát mỏng. Trước đây, chỉ có phở bò chín với đầy đủ “chín-bắp-nạm-gầu”. Về sau, thực khách chấp nhận cả phở tái, phở gà, phở heo, phở tôm…
Các thành phần làm nên tô phở truyền thống
Trong đó, bánh phở truyền thống được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Nước dùng nói chung được làm bằng việc hầm từ xương bò. Thịt dùng cho món phở là thịt bò hoặc gà và gia vị bao gồm quế, hồi, gừng, thảo quả, đinh hương, hành khô, tôm nõn, tôm he, địa sâm khô, đuôi bò, hạt ngò gai (mùi)… Mỗi cửa hàng hay đầu bếp lại có cho mình những công thức và bí quyết riêng để làm ra một nồi nước dùng mang đậm hương vị đặc trưng của mình.
3. Phở truyền thống - món ăn quốc dân của người Việt
Trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường, nhà văn Thạch Lam từng viết: “Phở ngon phải là phở cổ điển, nấu bằng thịt bò, nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai. Chanh ớt với hành tây đủ cả, rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”.
Phở truyền thống gắn liền với tinh hoa ẩm thực của người Việt
Nguyên liệu làm nên món phở nghe chừng giản dị, có thể tìm thấy ở những khu chợ bình dân trên khắp cả nước nhưng để làm nên hương vị đặc trưng, nồng nàn thì không phải chuyện dễ dàng.
Phở là món ăn đòi hỏi quy trình chế biến cầu kỳ, nhiều công đoạn và cũng tiêu tốn nhiều thời gian. Người đầu bếp không chỉ cần thành thục từng công đoạn nấu phở mà còn phải có thêm thêm lòng say mê và niềm tự hào dân tộc để làm nên món ăn mang đậm tâm hồn và tính cách Việt. Bên cạnh đó, món ăn này còn được xem là đại diện tiêu biểu của văn hóa ẩm thực Việt bởi truyền thống lâu đời với rất nhiều quán phở danh tiếng như phở Thìn, phở Lý Quốc Sư hay phở Bát Đàn…
Dù xuất phát từ một mảnh đất phía Bắc nhưng từ lâu, phở đã trở thành một món ăn quốc dân của cả dải đất hình chữ S. Người ta có thể tìm thấy thức quà này ở mọi nẻo đường tổ quốc với những biến tấu khác nhau. Thậm chí, phở đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, “xuất ngoại” cùng với dấu chân người Việt trên khắp thế giới.
Thông qua bài viết trên, Phở Thìn 1955 đã mang đến cho bạn đọc những thông tin tổng quan nhất về nguồn gốc, thành phần cũng như giá trị văn hóa của tô phở truyền thống. Hy vọng những kiến thức đó sẽ giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng nhất về món ăn thân quen này!
Thông tin liên hệ:
Phở Thìn Bờ Hồ - Số 1 Hàng Tre
Wesbite: https://phothin1955.vn
Fanpage: Phở Thìn - Số 1 Hàng Tre
Tripadvisor: Phở Thìn Bờ Hồ