CÂU CHUYỆN: PHỞ THÌN – QUÁN PHỞ LÂU ĐỜI NHẤT HÀ NỘI

Xưa nay, người ta vẫn thường nói người Hà Nội vốn sành ăn, sành mặc, thanh lịch, tao nhã trong lối sống nên ẩm thực Hà Nội vì thế cũng mang phong vị đó. Ẩm thực Hà Nội luôn mang nét đẹp tinh tế bởi hội tụ tinh hoa của đất kinh thành ngàn năm văn hiến. Mỗi món ăn đều được chế biến cầu kỳ, tinh tế, thanh tao mà đậm đà các hương vị đặc trưng. Qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người chế biến, ẩm thực Hà Nội từ những món ăn thường ngày được nâng tầm thành văn hóa ẩm thực. 

Nhắc đến ẩm thực Hà Nội, món ăn đầu tiên mà người ta không thể bỏ qua đó là Phở. Nhà văn Thạch Lam trong cuốn Hà Nội Băm Sáu Phố Phường đã viết: "Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Phở ngon phải là phở có "nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả". Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: "Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tối…”.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đang chiến tranh, ông Bùi Chí Thìn sinh năm 1928 là người con xuất thân từ vùng quê Hoài Đức, Hà Tây lúc bấy giờ. Thời thanh niên ông tham gia dân quân du kích mở đầu cho cuộc kháng chiến phát triển mạnh mẽ và thắng lợi giai đoạn năm 1951 đến năm 1954 tại Việt Nam. Ông bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò. Năm 1952 thực dân Pháp trả tự do, ông không trở về quê hương mà lựa chọn ở lại nhà người bà con cùng quê bán phở mưu sinh tại đất Hà Nội. Sau đó, người bà con sắm cho ông một gánh phở tự kinh doanh, ông gánh phở đi bán từ phố Hàm Long xuôi đến nhà máy nước Yên Phụ, rồi quay trở về dừng gánh phở tại “Ấu Trĩ Viên” (Vườn trẻ) dành cho con em các gia đình giàu có, quý tộc thời Pháp thuộc, sau giải phóng thủ đô đổi tên thành Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội (còn gọi là Cung thiếu nhi Hà Nội) tại địa chỉ 36-38 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời đó bán phở gánh bôn ba khắp ngõ phố giữa bom rơi đạn lạc chỉ mình ông vẫn cố gắng duy trì bám trụ với cái nghề cái nghiệp bán phở tại thủ đô. Trong tác phẩm “Chuyện cũ Hà Nội” của nhà văn Tô Hoài có nhắc đến “Phở Thìn Bờ Hồ đã được tiếng trước nhất vì giữa những khi Mỹ ném bom trung tâm thành phố, khắp Hà Nội chỉ có mỗi quán ông Thìn bán đến khuya. Ở đâu ai thèm phở đều phải vượt còi báo động đến, ông Thìn vẫn điềm nhiên tay bốc bánh, miệng pha trò những câu thơ ví von hóm hỉnh ”. 

Sau giải phóng thủ đô năm 1955, ông Bùi Chí Thìn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tỵ lựa chọn nơi xây dựng quán đầu tiên cho thương hiệu phở Thìn tại địa chỉ ngõ nhỏ 61 Đinh Tiên Hoàng - đối diện Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) tọa lạc ở vị trí trung tâm quận Hoàn Kiếm, trái tim của Thủ đô Hà Nội. Vợ chồng ông Thìn chỉ nghĩ gánh phở giúp mở ra cơ hội mưu sinh cho cả gia đình ông. Thời ấy, cuộc sống mưu sinh của mọi nguời đều rất khó khăn nhưng với một gia đình có tận 9 người con thì chắc chắn phải khó khăn gấp bội. Hàng ngày, lúc 3 giờ sáng vợ chồng ông cùng một vài người bà con phụ việc trở dậy bắt đầu chuẩn bị hàng bán .Ngày đó tất cả nguyên liệu nấu phở đều được mang đến từ rất sớm. Nước thì phải gánh từ đầu phố về. Điện thì phập phù hôm có, hôm không. Trong bóng tối lờ mờ lúc tảng sáng, vợ ông Thìn cùng người bà con, người thái bánh phở, người thái hành, cắt chanh và ớt tươi, sắp xếp lại bát đũa, lau bàn ghế chuẩn bị đón khách. Ông Thìn là người nấu nước dùng trong một cái nồi rất to, trên cái bếp than cám sau này mới có than đá lúc nào cũng đỏ lửa. Khi nồi nước dùng sôi cũng là lúc nó tỏa ra mùi thơm của xương bò hầm với thịt chín nạm gầu cùng mùi gừng tươi mới, cảm thấy rất ấm áp và kích thích vị giác. Ông thoăn thoắt thái từng miếng thịt bò chín đã luộc, xếp đều trong khay. Mọi việc phải chuẩn bị xong trước 5 giờ sáng khi đã có những vị khách đầu tiên là những người đi làm ca đêm về hay những người bắt đầu đi làm ca sáng. Bận rộn là thế nhưng hình ảnh người chủ quán phở Thìn Bờ Hồ luôn vui vẻ, thân thiện mỗi khi khách ghé quán ,ông hay có những câu đùa tếu táo hay những câu Kiều như “Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Đối khi cao hứng ông còn hát vài câu hát chầu văn như “Hồng hồng tuyết tuyết mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoắt có sá gì ngoảnh lại đã đến thì tơ liễu”. Cả cuộc đời ông chưa từng qua bất kỳ trường lớp nấu ăn nào . Tất cả đều do ông tự mày mò, tự học và đúc rút kinh nghiệm ,chính nhờ sự kiên trì, cần mẫn , tâm huyết với nghề mà thuơng hiệu phở Thìn đã được lưu truyền suốt 70 năm qua. 

Nấu phở bò không dễ vì mỡ bò rất gây, tẩy được mùi gây của mỡ bò và nước dùng phải trong , vị thanh là cả một quá trình chuyên tâm kỳ công của nghề Phở. Nó đã và đang truyền qua 3 thế hệ mà gia đình vẫn luôn gìn giữ mặc qua bao đổi thay của thủ đô Hà Nội ngày một hiện đại hóa , công nghiệp hóa. Thời đó chỉ có báo giấy và thông tin truyền miệng, không có các phương tiện truyền thông, smart phone và mạng xã hội phát triển như bây giờ, quán phở cứ ngày một đông do khách quen giới thiệu. Quán đông nô nức nhờ "hữu xạ tự nhiên hương" quả đúng với vị phở ngon truyền thống mà cả cuộc đời ông kỳ công nghiên cứu và tìm ra được công thức để lại cho thế hệ sau. Chính vì sự vui vẻ, mến khách và chất lượng của bát phở mà cửa hàng phở Thìn Bờ Hồ luôn tấp nập khách ra, khách vào trong con ngõ nhỏ - chính là nơi sau này gắn bó với thương hiệu gần 70 năm.

Mỗi ngày trôi qua, tình yêu với phở và niềm hạnh phúc khi nhiều người luôn nhớ, luôn mong được thưởng thức một bát phở Thìn Bờ Hồ khi đặt chân tới thủ đô Hà Nội. Chính là động lực khiến ông gắn bó với nghề, ông thường được mọi người thời ấy gọi là "bác sĩ" Thìn vì Ông chính là Bác Sỹ Của Dạ Dầy Ông rất vui vì điều đó, ông thường mặc chiếc áo blouse trắng và chiếc mũ trắng khi đứng bếp bán phở. Thời đó nhiều lúc chỉ ốm mọi người mới dám đi ăn một bát phở nóng sốt cho toát mồ hôi, giải cảm gió cho khỏe người, hết mệt . Cũng chính từ những điều giản dị từ món phở ngon và tấm lòng mến khách là điều đã làm nên thương hiệu Phở Thìn gắn với địa danh Bờ Hồ là một địa chỉ ẩm thực thân thuộc của người dân thủ đô và bạn bè quốc tế khi tới nới đây. 

Ngoài cửa hàng chính ở 61 Đinh Tiên Hoàng, thương hiệu phở Thìn đã có lúc mở chuỗi tới 8 cửa hàng do các con ông tạo dựng. Tại các địa chỉ 1 Hàng Tre, 1 Lê Văn Hưu, 26b Trần Hưng Đạo, Đội Cấn , Hàn Thuyên , Ngõ Cấm Chỉ, Cầu Giấy. Ông luôn hỗ trợ bảo ban các con để thương hiệu phở Thìn Bờ Hồ tiếp tục duy trì, bảo tồn công thức nấu phở gia truyền qua các thế hệ con cháu. Mỗi sáng, ông vẫn đạp xe qua các cửa hàng của các con kiểm tra chất lượng, chỉ bảo căn kẽ chuẩn chỉ từng việc nhỏ nhất trong nghề để giờ đây những chỉ bảo của ông cho các con giờ được truyền lại cho các cháu giữ gìn và phát huy.

Sau quá trình hình thành và phát triển xuyên suốt gần 70 năm, thương hiệu Phở Thìn được biết đến không chỉ là một món ăn truyền thống tại thủ đô Hà Nội mà còn là một nét văn hóa của người Hà Nội. Thương hiệu Phở Thìn (hay còn được gọi với cái tên gắn liền địa danh Phở Thìn Bờ Hồ) không chỉ được nhắc tới trong thơ văn của thế hệ nhà văn, nhà thơ thời bấy giờ mà sau này các tạp chí quốc tế, đài Channel New Asia chuỗi series “In search of Unami – S1E3: Hanoi - Sauces and Essences” cùng dành lời khen ngợi tới vị ngon của tô phở truyền thống được gia đình lưu truyền cho thế hệ con cháu trong gia đình. Thương hiệu Phở Thìn không chỉ được người dân trong nước mà cả bạn bè nước ngoài quốc tế đón nhận và yêu thích. 

Phở Thìn Bờ Hồ xuất trên kênh Channel New Asia chuỗi series “In search of Unami – S1E3: Hanoi - Sauces and Essences”

Năm 2019, gia đình cũng vinh dự được phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều do Sở VH&TT thành phố Hà Nội tin tưởng giao trọng trách. Gia đình cũng nhận được bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao do chủ tịch thành phố Hà Nội trao tặng. Năm 2019 -2022, phở Thìn Bờ Hồ tham gia dự sự kiện ngày của Phở do báo tuổi trẻ tổ chức tại Hà Nội, Nam Định.

Năm 2023, phở Thìn Bờ Hồ đã đến gần hơn với thực khách mọi miền tại "Không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội" thông qua sự kiện Festival Thu Hà Nội 2023 với chủ đề "Tinh hoa ẩm thực Việt". Sự kiện đã thu hút hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước tham gia và thưởng thức hương vị đặc trưng của món ngon các vùng miền. Ngoài ra, thương hiệu cũng tham gia "Vietnam Phở Festival" được Báo Tuổi Trẻ tổ chức hàng năm. Và năm nay, lần đầu tiên thương hiệu bước ra khỏi biên giới quốc gia để mang hương vị phở đến với thực khách quốc tế tại Nhật Bản. Phở Thìn Bờ Hồ đã vinh dự được phục vụ hơn 1.200 tô phở tới các lãnh đạo, khách mời trong nước và quốc tế tại 2 sự kiện trên.

Năm 2023, lần đầu tiên phở Thìn Bờ Hồ bắt tay hợp tác cùng CHIN-SU của tập đoàn MASAN để gói trọn vị phở Thìn Bờ Hồ vào sản phẩm ăn liền tiện lợi. Sự kết hợp này là bước đi mới mẻ, không chỉ trong làng ẩm thực truyền thống, còn trên cả thị trường phở ăn liền hiện đại. 

 

Với tâm niệm luôn gìn giữ và lan tỏa hương vị truyền thống từ thời ông cha để lại để mỗi khi đặt chân tới Hà Nội, chắc chắn ai trong chúng ta cũng sẽ lựa chọn cho mình thưởng thức một tô phở bò tái tươi ngon ngọt thịt, chín nạm mềm thơm, hoà quyện cùng nước dùng vị ngọt thanh, nước trong đặc trưng của vị phở truyền thống và đâu thể thiếu bánh phở dẻo mềm làm từ hạt gạo Việt Nam. 

Món phở chính là món ăn quốc hồn quốc túy tôn vinh lên giá trị từ hạt gạo trắng làm ra bánh phở,củ gừng ta tươi rói, vàng ruộm làm nên hương thơm cùng vị ấm nóng của nước dùng phở đến thịt bò ta nạc mỡ vừa đủ. Để mỗi người con đất Việt khi đi xa luôn nhớ đến một món ngon mang trọn vị ấm áp quê nhà và đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. “Phở Thìn” là nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ 20 năm từ 2014 đến nay 

Hiện đang sử dụng tại 4 cơ sở tại Hà Nội theo địa chỉ: 

Cơ sở 1: 61 Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm; 

Cơ sở 2: 1 Hàng Tre, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm; 

Cơ sở 3: 1 Lê Văn Hưu, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng; 

Cơ sở 4 : 289 Kim Mã, quận Ba Đình.